Mấy ngày qua, hàng trăm người dân kéo đến nhà dân ở ấp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang xem hoa lạ mọc lên từ lòng đất. Người dân địa phương không biết hoa này vì chưa từng thấy bao giờ.
Do được nhiều người chú ý nên gia chủ (84 tuổi) xây tường bao quanh, lập bàn thờ, thắp nhang, cúng hoa quả và gắn đèn 7 màu phía trước hoa lạ. Cụ ông này tưởng rằng đây là hoa thần hay linh thiêng nên mới làm vậy.
Gia chủ xây tường bao quanh, lập bàn thờ, thắp nhang, cúng hoa quả và gắn đèn 7 màu phía trước hoa Nưa Chuông - ảnh: Kiên Giang Cần Biết |
Với người dân Kiên Giang nói riêng và miền Tây nói chung, loài hoa rất lạ. Thế nhưng, hoa này mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Thanh Hoá, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Sơn La… với tên gọi nưa chuông, hoa na hay hoa xác thối.
Cây nưa chuông ở nhà cụ ông 84 tuổi có thể nằm trong đất từ lâu, khi gặp điều kiện thuận lợi thì nở hoa.
Cây nưa chuông thuộc họ ráy, có tên khoa học là Amorphophallus Konjac K. Koch.
Nưa chuông thường ra hoa tháng vào 4 - 5, ra quả tháng 10 – 11, mọc tự nhiên ở các khu rừng thứ sinh, rừng bị tác động có độ cao dưới 800 m so với mực nước biển.
Nưa chuông phân bố khá rộng ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Úc. Tại Việt Nam, nưa chuông sinh sống rải rác trong khu rừng thứ sinh các tỉnh miền Bắc.
Sau một thời gian mọc, nưa chuông có mùi rất thối nhưng là loại thức ăn tốt cho người bệnh tiểu đường và bệnh béo phì. Bột củ nưa chuông được một số nơi dùng sản xuất bánh mỳ.
Không chỉ làm thức ăn, theo tài liệu nghiên cứu tại Vườn thực vật Hoàng gia Anh (KEW), nưa chuông còn là loài cây thuốc quý có thể chữa các bệnh viêm, ho, đầy hơi, táo bón, thiếu máu, bệnh trĩ, giảm đau và mệt mỏi. Song, củ loài này có độc nhẹ nên khi ăn cần đun kỹ hoặc ngâm với vôi trước khi đun.
Những điều cần biết về cây nưa chuông
Đặc điểm nhận dạng: Cây thảo có củ lớn hình cầu lõm, đường kính có thể tới 25cm; trước ra hoa, sau ra lá. Mỗi lá chia làm 3 nhánh, các nhánh lại chia đốt, phiến lá xẻ thuỳ sâu hình lông chim, các thuỳ cuối hình quả trám thuôn, nhọn đầu; cuống lá thon, dài 40-80cm, nhẵn, màu lục nâu, có điểm các chấm trắng. Cụm hoa có mo lớn, phần bao mo màu lục nhạt điểm các vết lục thẫm, ở phía mép màu hung tím, mặt trong màu đỏ thẫm. Trục hoa dài gấp đôi mo. Quả mọng.
Bộ phận dùng: Củ.
Phân bố, sinh thái: Cây của vùng Đông Nam Á mọc hoang và cũng được trồng để lấy củ ăn và toàn cây để chăn nuôi. Dọc nưa hay bèn nưa dùng để chế biến nấu canh giấm hay muối dưa.
Củ dùng làm thuốc cũng phải chế biến, thái mỏng ngâm nước vo gạo một đêm, sau ngâm nước phèn chua một đêm, phơi khô, rồi nấu với gừng (100g gừng cho 1 kg củ) trong 3 giờ cho hết ngứa.
Tính chất, tác dụng: Cụ Nguyễn An Cư đã viết về khoai nưa như sau: Vị cay có độc, có công dụng sát mọi thứ trùng, trừ ác khí, trị lao truyền thi quỷ chú, bỗng ngã nhào bất tỉnh nhân sự, lại hay tổng xuất tử thai, với sốt rét cách nhật, sốt cơn.
Công dụng: Thường dùng trị sốt rét, tiêu đờm, trục thai chết. Liều dùng 4-12g. Dùng ngoài lấy củ tán bột hoà với dấm đắp vào trị mụn nhọt sưng tấy.
Đơn thuốc: Chữa sốt rét có báng, đờm trệ, ăn không tiêu, dày da bụng; dùng củ nưa chế 12g, Trần bì, Bách bệnh, Nam mộc hương, Ý dĨ (sao), Nga truật, Xạ can đều 10g, sắc uống. Có thể tán bột uống mỗi ngày 24g.
Post a Comment