Sau 4 năm học đại học, không thể xin được việc nên họ cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin làm công nhân thoát nước đô thị. Chấp nhận ít bạn bè hơn, khó tìm người tri kỷ hơn, họ bắt đầu làm việc dưới cống mỗi ngày.
Tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, anh Thiện xin vào làm ở công ty thoát nước |
Những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, ai cũng nghĩ tới một công việc với điều kiện thật tốt, phù hợp khi ra trường. Những chàng thanh niên của công ty thoát nước đô thị cũng vậy, họ đều là những người có bằng cử nhân nhưng rồi lại chọn công việc chẳng giống như tưởng tượng trước đó.
Ba đời làm công nhân thoát nước
Anh B.M.P (29 tuổi) là công nhân của Chi nhánh Thoát nước số 2, Công ty TNHH MTV Thoát Nước Đô Thị TP.HCM (gọi tắt công ty thoát nước). Anh P. gây ấn tượng với mọi người xung quanh vì cao như người mẫu. Vậy nhưng anh thường đeo khẩu trang kín hết mặt, khi nào uống nước hoặc hết ca làm anh mới tháo khẩu trang.
Anh P. tốt nghiệp đại học ngành Xây dựng dân dụng. Vừa tốt nghiệp, anh đi khắp nơi xin việc nhưng không được nên xin vô làm công nhân thoát nước
Anh P. tâm sự: “Nhà tôi có ông nội, ba và các chú của tôi, giờ tới tôi là đời thứ 3 làm công nhân thoát nước. Thật ra là ba đi trước thấy nghề này cực khổ nên không muốn tôi vô làm, nhưng hình như là duyên với nghề. Tới nay, tôi đã gắn bó được 5 năm với công việc này”.
Từ ngày học cấp 2, anh P. đã được theo nhìn ba dọn các hầm ga, ống cống nên đã hình dung được công việc của mình sẽ như thế nào. Do vậy, ngày đầu chui xuống cống, anh P. cảm thấy rất tự tin vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Dù là thế, nhưng anh P. vẫn không tránh khỏi cảm giác hơi ớn lạnh vì cống quá dơ và hôi.
Công việc yêu cầu những người công nhân phải lội dưới dòng nước thải đen ngòm |
Anh P. nói ngày trước, sức khỏe anh cũng hơi yếu nên vô làm rồi hít khí độc nên thường xuyên bị bệnh hơn. Rồi làm riết cũng quen, dù nắng hay mưa thì anh P. vẫn dọn hết sạch các hầm ga cùng tổ của mình để việc thoát nước của TP được đảm bảo.
“Tất cả những gì người ta không dùng nữa là người ta liệng xuống cống, bao ni lông, bao cao su, xác động vật, cái gì dơ nhất và sợ hôi người ta lại quăng xuống cống. Mỗi lần vớt lên vậy tôi cũng thấy buồn vì một số người ý thức quá kém”, anh P. tâm sự.
Mỗi lúc làm, mùi cống xộc thẳng vào mặt, anh P. nhiều khi lại nghĩ học 4 năm đại học ra rồi đi làm công việc này thì có tương xứng không. Nhưng anh lại nghĩ đến rằng đây là công việc của ba mình đã làm ngày trước để kiếm tiền nuôi gia đình. Hiểu được giá trị đồng tiền ba kiếm được và vì cuộc sống nên anh lại tiếp tục.
Theo lời anh P., từ ngày vào làm công nhân công ty thoát nước, anh cũng ít bạn bè hơn, vì dù có tắm kỹ cỡ nào thì người vẫn còn mùi đặc trưng của cống. Phần vì công việc nặng nhọc nên sau giờ làm anh chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà.
“Có thể vì vậy nên đến giờ tôi vẫn chưa có người yêu, có mùi như thế này ai mà yêu. Kể ra bạn bè làm quan chức lớn thì có cái khổ của nó, mình làm công nhân cũng có cái khổ riêng của mình”, anh P. trải lòng.
Vượt qua sợ hãi
Anh Lương Hoàng Thiện (31 tuổi, Chi nhánh Thoát nước số 2) đã làm được 6 năm cho biết, anh cũng tốt nghiệp đại học ngành xây dựng. Suốt thời gian học đại học anh Thiện luôn nghĩ rằng khi ra trường anh sẽ làm một công việc phù hợp với năng lực.
Anh P. cũng tốt nghiệp đại học nhưng rồi có lẽ vì "có duyên" với nghề nên anh làm việc tại công ty cũng được hơn 5 năm |
“Chưa bao giờ tôi nghĩ học xong đại học lại ra làm công nhân, công nhân học hết cấp 3 cũng làm được mà. Nhưng ra trường môi trường không như tôi nghĩ, tôi đi xin việc ai cũng đòi hỏi kinh nghiệm mà vừa ra trường thì kinh nghiệm đâu ra. Vậy là tôi xin qua đây, chế độ chăm sóc sức khỏe ổn, khám tổng quát định kỳ, thu nhập không dư nhưng đủ sống”, anh Thiện cho hay.
Từ một chàng trai ghét mùi chuột, gián nhưng từ ngày làm công việc này, anh Thiện phải quen với việc khi chui xuống cống, một ổ gián tới trăm con chạy lúc nhúc rồi bò vào trong quần áo hay chuột cắn chân… Kể cả xác động vật chết, anh phải làm quen với tất cả, dù trước đó chỉ cần nghe nhắc đến là anh đã rùng mình.
Post a Comment