TAND tỉnh Hưng Yên hôm nay đưa bị cáo Hoàng Thị Hiền (SN 1969, ở Khoái Châu, Hưng Yên) ra xét xử về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Cả trăm người dân đến dự.
Theo cáo buộc, từ năm 2015 đến tháng 7/2017, bà Hoàng Thị Hiền là y sỹ công tác tại trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Do có người quen đến nhờ khám, chữa bệnh và muốn có thêm thu nhập, khoảng cuối năm 2013, bà Hiền chuẩn bị các dụng cụ phục vụ cho việc khám, chữa bệnh tại nhà.
Bà Hoàng Thị Hiền tại tòa |
Từ năm 2015, dù không có trình độ chuyên môn và không có giấy phép hoạt động, bà Hiền vẫn khám, chữa bệnh tại bộ phận sinh dục cho các cháu nhỏ thuộc địa bàn các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ.
Nữ y sỹ này tư vấn cho các phụ huynh việc nong giãn bao quy đầu ở trẻ nhỏ để tránh bị viêm nhiễm và nguy cơ bị các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục.
Sau khi nong giãn bao quy đầu, bà Hiền kê thuốc cho các cháu sử dụng và dặn 1-2 tuần sau đến để vệ sinh bộ phận sinh dục 1-2 lần.
Mỗi cháu sau khi nong giãn bao quy đầu được bà Hiền vệ sinh bộ phận sinh dục từ 2-3 lần. Lọ thuốc Povidine, Tetracylin và lọ nước muối sinh lý sau khi sử dụng không hết, bà Hiền cất đi để sử dụng cho các cháu tiếp theo, cho đến khi hết mới vứt bỏ.
Mỗi lần khám chữa bệnh tại nhà bà Hiền, các phụ huynh phải trả từ 300.000-520.000 đồng
Hơn 100 cháu nhỏ được bà Hiền làm thủ thuật nong giãn bao quy đầu sau đó xuất hiện các nốt mụn nhỏ trên dương vật. Thân nhân các cháu đưa con đi khám, xét nghiệm và được chuẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà nên đã có đơn tố cáo gửi đến CQĐT.
Cáo buộc cho rằng, bà Hiền đã thực hiện việc khám, chữa bệnh, nong giãn và vệ sinh bao quy đầu trái quy định, không có giấy phép hoạt động, không có đủ trình độ chuyên môn.
Nữ y sỹ không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn dụng cụ khi khám bệnh, chữa bệnh, làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà cho 117 cháu nhỏ, gây tổn hại sức khỏe cho 114 cháu, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 1.026%.
VKS cho rằng, đủ căn cứ xác định bà Hiền phạm vào tội Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, theo quy định tại khoản 3, điều 242 BLHS năm 1999. Nay được quy định tại khoản 3, điều 315 BLHS năm 2015.
Xét thấy bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội trước khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành. Do vậy, cần áp dụng nguyên tắc có lợi quy định tại điểm d, điều 2, nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nữ y sỹ.
Qúa trình điều tra, bà Hiền thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Bà tự nguyện đề nghị CQĐT chuyển số tiền 100 triệu đồng để bồi thường cho các bị hại nhằm khắc phục hậu quả.
Post a Comment