Trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy vừa bị phát hiện có chất cấm Sibutramine và Phenolphthaleine. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với quảng cáo trước đó của Hà Vy.
Quảng cáo một đằng làm một nẻo
Vừa qua, Đại sứ quán Hàn Quốc thông báo về việc lô hàng thực phẩm Trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy (Địa chỉ: Số nhà 45, Tổ 1, Quốc lộ 14, Thôn Sơn Hiệp, Xã Thọ Sơn, Huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước) xuất khẩu vào Hàn Quốc bị phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthaleine bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Thông tin nay, làm cho đông đảo người tiêu dùng rất hoang mang khi sử dụng những sản phẩm mang thương hiệu Hà Vy như: Trà Thảo mộc tăng cân Vy Tea, Gel gừng quế Vy & Body, Sắc Mộc Nương...của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy.
Trước đó, người tiêu dùng tin vào những lời quảng cáo "có cánh" của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy và các đại lý của công ty này trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang website (http://tragiamcanvytea.com).
Theo đó, những sản phẩm mang thương hiệu Vy&Tea được quảng cáo có các tính năng vượt trội, nguồn gốc từ thiên nhiên và an toàn hơn các loại sản phẩm khác trên thị trường. Đặc biệt, đoạn quảng cáo còn khẳng định: "Với thành phần "lành tính" từ thiên nhiên, trà Vy & Tea hoàn toàn không có tác dụng phụ, ngược lại còn mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sức khỏe và làm đẹp cho người sử dụng".
Vậy, Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy giải thích như thế nào với người tiêu dùng trước thông tin trong sản phẩm Trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea bị phát hiện có chất cấm Sibutramine và Phenolphthaleine? Những thông tin quảng cáo trên có sai sự thật và lừa đảo người tiêu dùng không?
Những thông tin quảng cáo cường điệu của Công ty Hà Vy |
Lỗ hổng và trách nhiệm của cơ quan xác nhận?
Sau khi nhận được thông tin cảnh báo trên, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 92/QĐ-ATTP ngày 25/02/2019 tại Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy và căn cứ Biên bản kiểm tra số 02/BB-KT ngày 28/02/2019 của Đoàn kiểm tra, ngày 01/3/2019 Cục An toàn thực phẩm đã có Thông báo số 571/TB-ATTP và Quyết định số 102/QĐ-ATTP về tạm dừng lưu thông và thu hồi đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Vy & Tea (NSX 20/12/2018, HSD 20/12/2019) của tổ chức công bố, sản xuất sản phẩm là Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã giao Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và các Chi cục ATVSTP các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để giám sát về việc dừng lưu thông sản phẩm nêu trên trên địa bàn.
Qua sự việc trên, người tiêu dùng tự đặt ra câu hỏi, vậy quy trình giám sát chất lượng và trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu mà không phát hiện sớm và cảnh báo cho người tiêu dùng về chất cấm có trong sản phẩm thực phẩm Vy & Tea. Cục An toàn thực phẩm chỉ đưa ra cảnh báo về sản phẩm này sau khi có cảnh báo từ cơ quan chức năng của phía Hàn Quốc. Nếu không có những cảnh báo từ nước ngoài thì, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng những sản phẩm chứa chất cấm hay sao?
Đáng lưu ý, trước đó trong báo bì nhãn mác và những nội dung quảng cáo của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy về những sản phẩm này đều có kèm theo đầy đủ những loại giấy chứng nhận về ATTP, thành phần hàm lượng an toàn...
Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP của Cục ATTP |
Kết quả phân tích thành phần sản phẩm |
Phiếu kiểm nghiệm Trung tâm nghiên cứu Hi - Tech |
Mã số sản phẩm do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp |
Phiếu kiểm nghiệm của Viện Paster Thành phố Hồ Chí Minh |
Khi mua và sử dụng sản phẩm Trà thảo mộc giảm cân Vy & Tea, người tiêu dùng chỉ biết đặt hết niềm tin của mình vào các kết quả kiểm nghiệm và xác nhận an toàn của các cơ quan nói trên. Vậy khi người tiêu dùng gặp rủi ro về sức khỏe những cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm như thế nào.
Luật pháp của nhiều nước trên thế giới xác định trách nhiệm này rất rõ ràng. Nó được quy định kèm theo quyền lợi và nghĩa vụ khi những cơ quan này phát hành những chứng thư xác nhận có liên quan đến sản phẩm, nhất là những sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người. Vụ ông Robert Young - người tự xưng là chuyên gia dinh dưỡng - đã bị một phụ nữ Mỹ kiện ra tòa và phải bồi thường 105 triệu USD vì đưa thông tin không chính xác về điều trị ung thư là một ví dụ điển hình.
Vậy trong trường hợp sản phẩm Trà thảo mộc giảm cân Vy & Tea, trách nhiệm của các cơ quan xác nhận những giấy tờ này sẽ ra sao hay việc xác nhận của họ chỉ có giá trị tham khảo và vô can nếu người tiêu dùng gặp rủi ro sức khỏe hay phát hiện mình bị lừa dối về thông tin.
Việc cấp những giấy tờ xác nhận của các cơ quan chức năng nếu không đi cùng với việc kiểm tra, giám sát hay đưa ra những giới hạn, điều kiện áp dụng đi kèm với sản phẩm thì những giấy tờ này sẽ bị doanh nghiệp lợi dụng để thông tin "lừa đảo" khách hàng?
Anh Nguyên(khỏe 365)
Post a Comment