Một ngày công có khi chỉ đủ mua vài ổ bánh mì nhưng người mẹ bệnh tật vẫn cố gắng đi làm, vừa để khuây khỏa, vừa mong dành dụm được thêm chút tiền lo cho con.
Mỗi lần được về nhà, dù đau đớn nhưng chị vẫn phải cố làm việc. Chị bảo, làm để tự nuôi lấy mình, để quên đi nỗi buồn. Lúc khỏe thì nhổ cỏ, nhổ rau, lúc yếu lại ở nhà nhận luồn dây thun cột tóc… Chăm chỉ là thế, mỗi ngày chị cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.
3 năm điều trị bệnh
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (sinh năm 1968 ở ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đang đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Ngồi đối diện trò chuyện, chúng tôi hiểu được một phần nỗi tuyệt vọng chị đang phải trải qua. Câu chuyện chị kể dường như chẳng còn lối thoát.
Chị Tuyết Nga dù bệnh nhưng hằng ngày vẫn cố gắng kiếm tiền |
Năm 2016, chị Nga không thể giải thích được tại sao mình hay bị mắc nghẹn ở cổ, bưng bát cơm lên mà không nuốt nổi. Nhiều ngày như vậy, chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe sa sút. Đến gặp bác sĩ, chị mới ngỡ ngàng biết được ở tuyến giáp có khối u đang chèn ép, gây ra tình trạng trên.
"Cầm trên tay kết quả sinh thiết, tôi cứ hỏi đi hỏi lại bác sĩ về căn bệnh của mình. Nghe bác sĩ tư vấn quá trình điều trị và số tiền cần cho ca phẫu thuật, tôi biết mình cầm chắc cái chết". chị buồn bã.
Cô con gái đang học lớp 7 có nguy cơ bỏ học vì cha mẹ đã kiệt quệ |
Định buông xuôi tất cả, nhưng nhờ sự động viên của chồng và người thân, chị Nga bắt đầu sống chung với bệnh viện. Từng toa hóa chất được truyền vào cơ thể cùng với đó là những khoản tiền vay mượn vơi dần. Sau 1 năm điều trị, chị đã cảm thấy khỏe hơn và được chuyển sang duy trì tái khám 1 lần/tháng.
Thế nhưng, chị không ngờ rằng căn bệnh này tái phát nhanh như vậy. Mới ngưng được 2 năm, chị tiếp tục quay trở lại nhập viện vì luôn cảm thấy mệt và khó thở. Theo phác đồ của bác sĩ, quá trình điều trị của chị Nga phải “đánh thuốc” từ đầu. Điều này đồng nghĩa với việc chị phải có khoản tiền 80 triệu đồng mới mong duy trì mạng sống.
Chắt chiu từng đồng không đủ tiền thuốc
Gia đình chị Tuyết Nga thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Giờ đây cả hai vợ chồng đều bệnh, chưa biết khi nào mới có thể thoát nghèo. Chồng chị, anh Võ Ngọc Trọn bị viêm gan B, đau bao tử và trĩ, lâu nay không thể làm được việc nặng. Số tiền anh Trọn kiếm được không đủ chi phí cho gia đình.
Chị Nga chủ yếu sống ở bệnh viện, khi được bác sĩ cho về nghỉ ít ngày, chị tranh thủ nhặt nhạnh kiếm từng đồng. Có khi số tiền kiếm được trong ngày chẳng đáng bao nhiêu, chỉ mua được vài ổ bánh mì, chị vẫn dặn lòng mình phải thật cố gắng.
Chị Nga đã phải vay nợ ngân hàng để chữa bệnh |
Mỗi lần đi viện là một lần gia đình chị đi hết chỗ này đến chỗ kia hỏi vay tiền. Hiện tại, chị đang nợ ngân hàng 50 triệu đồng, vay chương trình nước sạch 12 triệu đồng và rất nhiều các khoản nợ nhỏ của bà con anh em. Ngày nhập viện theo lịch hẹn tới gần nhưng chị mới kiếm được chưa tới 1 triệu đồng. Cô con gái nhỏ đang học lớp 7 có nguy cơ phải bỏ học.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nga thở dài: “Gia cảnh tôi bi đát quá, không chỉ hai vợ chồng bệnh mà mẹ chồng cũng bị K vú. Tiền bạc nợ nần chồng chất giờ không còn chỗ mà vay nữa. Ở nhà ăn mắm mút dòi cũng không đủ tiền chữa bệnh. Mình nghèo tiền không có, tiết kiệm cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi cứ ráng đi làm vừa để khuây khỏa vừa có thêm chút tiền. Giờ không biết lấy tiền đâu chữa bệnh”.
Với những người bệnh tật, nhà nghèo thì việc lo bữa cơm hằng ngày cũng khó, để có tiền chữa bệnh không phải đơn giản. Hy vọng những tấm lòng hảo tâm sẽ giang tay giúp đỡ cho chị Nga có thêm cơ hội chữa bệnh.
Mọi đóng góp có thể gửi về:
Gửi trực tiếp: Anh Võ Ngọc Trọn ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. SĐT: 037 8022 634
Đức Toàn (vietnamnet.vn)
Post a Comment