Kinh doanh 1 tấn thịt heo bệnh lở mồm long móng tại sạp chợ đầu mối Bình Điền, ông Thoảng bị phạt gần 50 triệu đồng.
Ngày 8/3, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân kinh doanh hơn 1 tấn thịt heo nghi ngờ nhiễm bệnh tại chợ đầu mối Bình Điền.
Cán bộ An toàn thực phẩm kiểm tra xe heo trước khi nhập chợ đầu mối. Ảnh: Tuổi trẻ
|
Người bị xử phạt là ông Bùi Văn Thoảng (sinh năm 1992), ngụ tại tỉnh Bến Tre đang kinh doanh thịt heo tại sạp Phong (H1 179) chợ đầu mối Bình Điền với trọng lượng 1.170 kg, giá trị 46.800.000 đồng.
Tại thời điểm Đội Quản lý An toàn thực phẩm Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền đi kiểm tra, số thịt của ông Thoảng không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc (bệnh tích điển hình của bệnh lở mồm long móng).
Ông Thoảng cũng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Căn cứ biên bản vi phạm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt số tiền 47,4 triệu đồng đối với ông Thoảng.
Tình hình dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp trong thời gian qua buộc lực lượng an toàn thực phẩm TP.HCM ráo riết vào cuộc, không để dịch tả heo châu Phi phát tán.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, để đảm bảo vấn đề kiểm soát dịch bệnh, lực lượng thú y của TPHCM luôn túc trực 24/24 giờ tại 12 lò mổ trên địa bàn. Hiện nay vùng heo tiêu thụ tại TP chủ yếu đến từ các tỉnh miền đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và một số ít của tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre…
Từ 15/2 đến nay, các cơ sở giết mổ của TP đã nhận được yêu cầu không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm ngăn chặn dịch tả heo xâm nhập vào TP.
Lực lượng thú y luôn túc trực 24/24h, sau khi kiểm tra giấy tờ sẽ kiểm tra lâm sàng từng xe một, heo mệt phải bắt ra riêng cách ly để giết mổ riêng.
“TP có yêu cầu tất cả các heo giết mổ trong đêm đều phải đưa về lò mổ trước 9 giờ tối để heo có thời gian nghỉ ngơi, đến khoảng 12 giờ - 12 giờ 30 mới bắt đầu giết mổ. Trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu, lòng, các mạch bạch huyết để phát hiện dấu hiệu bệnh truyền nhiễm, dấu hiệu của tiêm chích trong quá trình nuôi, áp xe… nhằm phát hiện tất cả các con heo có dấu hiệu bệnh tật trước khi đưa vào các chợ đầu mối.
Đối với những heo có biểu hiện bệnh sẽ bị loại trừ, thương lái sẽ bị xử phạt hành chính nghiêm khắc. Đối với thịt heo đạt chất lượng sẽ được đóng dấu, vận chuyển về các chợ đầu mối” - Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Huỳnh Tấn Phát khẳng định.
Cúc Phương(baodatviet.vn)
Post a Comment