Câu chuyện đồng nát đừng bao giờ tiếp diễn, để nhà trường không bị chửi lây, để giáo viên chuyên tâm giảng dạy, để học sinh vô tư nghỉ ngơi, chơi Tết…
Ngày đầu năm trở lại trường, học trò vai mang cặp nặng trĩu, tay xách bị vỏ lon hối hả bước đi. Thương con, một số phụ huynh tay xách nách mang dùm cho con khỏi tội.
Một số cha mẹ, có lẽ do quá vội vì sợ trễ giờ làm nên miệng liên tục cáu gắt, chửi rủa “Quy ra bao nhiêu tiền nộp cho khỏe, bắt nộp vỏ lon kiểu này mệt mỏi hơn”.
Góc lớp thành nơi chứa vỏ lon (Ảnh tác giả) |
Tiếng một phụ huynh bức xúc nói lớn “Nhà trường bắt nộp vỏ lon chẳng khác nào dạy trẻ đi ăn cắp”.
Thấy lạ, một số người xúm vào hỏi vì sao? Vị phụ huynh nói rằng có em nhà không có vỏ lon nên qua hàng xóm lấy trộm, bị phát hiện nên bị mấy đứa trẻ đánh cho. Người mẹ xót con cứ réo tên nhà trường mà chửi”.
Nghe câu chuyện cảm thấy xót xa, cũng oan cho nhà trường, bởi quy định nộp vỏ lon đâu phải từ nhà trường yêu cầu.
Đó là quyết định kí kết giữa Phòng giáo dục và Hội đồng đội thị xã.
Từng trường học dù không muốn cũng chẳng dám trái lệnh.
Bởi, nếu không chấp hành, cuối năm khi xếp loại thi đua thì hoạt động đội của trường sẽ bị xem xét.
Thế là dù không muốn, từng trường cũng phải triển khai xuống các lớp.
Giáo viên dù không muốn cũng phải triển khai đến học sinh.
Vậy là, đầu năm mới, thầy cô trở thành chủ vựa ve chai, học sinh trở thành người kiếm đồng nát và lớp học trở thành kho chứa những đồ phế thải kia.
Phát động học sinh nộp lon, có trường làm nhẹ nhàng được đâu hay đấy, giáo viên còn dễ thở đương nhiên học sinh cũng chẳng bị thầy cô làm khó.
Cực nhất là có trường đưa chỉ tiêu cột vào từng lớp và giáo viên chủ nhiệm.
Có giáo viên lại vì thành tích thi đua nên buộc tất cả học sinh phải nộp đủ (ít nhất là 20 vỏ lon, nhiều thì không giới hạn).
Em nộp nhiều vỏ lon được tuyên dương, em nộp ít hoặc không có bị thầy cô nhắc nhở nên học sinh khá sợ điều này. Nhà không có cũng phải ráng tìm cho có vỏ lon.
Vỏ lon học sinh mang nộp được tập trung cuối lớp (đợi đủ mới nộp về trường).
Để lâu, thế là cái nước bia ngà ngà đọng lại lâu ngày chảy rỉ ra cuối lớp bốc mùi thum thủm khiến bầu không khí vốn trong lành trở nên vô cùng khó chịu.
Thầy cô phải thu lai ra cả tuần mới đủ. Bởi có em nhớ, em quên nên không thể nộp cùng một lúc.
Hằng ngày đến lớp, thầy cô phải ngưng dạy tranh thủ nhận vỏ lon học sinh nộp, ghi chép số lượng, tên người nộp, nhắc nhở dăm ba câu những học sinh chưa có, sau đó mới bắt đầu bài dạy.
Tình trạng buộc học sinh nộp vỏ lon sau mỗi mùa Tết đã bị phụ huynh phản ứng, bị báo chí phản ánh khá nhiều thế nhưng tình trạng này vẫn chưa được chấp dứt.
Chúng tôi tha thiết mong rằng, câu chuyện đồng nát đừng bao giờ tiếp diễn sau mỗi độ xuân về, để nhà trường không bị chửi lây, để giáo viên chuyên tâm giảng dạy, để học sinh vô tư nghỉ ngơi, chơi Tết mà không phải lo lắng dành phần hay kiếm tìm vỏ lon để nộp.
Phan Tuyết/GDVN
Post a Comment