Nỗi âu lo của hiệu trưởng đã lan đến tâm lý giáo viên cho nên mặc dù nhận thưởng nhiều, nhưng niềm vui của chúng tôi vẫn không hề trọn vẹn.
Tới thời điểm này, mức thưởng Tết của các trường đã được công bố. Thế nên câu chuyện thưởng Tết luôn được giáo viên đề cập ở mọi lúc, mọi nơi, ở bất cứ thời giờ nào rảnh rỗi.
Chuyện trường này thưởng bao nhiêu? Trường kia sao thưởng cao quá vậy? Sao trường mình lại thưởng bèo thế? Hay trường kia lại chẳng có xu nào tội thật…
Những câu hỏi Vì sao? Vì sao? Và vì sao? Luôn được đặt ra mà không có câu trả lời.
Câu chuyện thưởng Tết luôn được giáo viên quan tâm mỗi khi Tết đến (Ảnh minh họa TTXVN) |
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên
Trong huyện tôi, khi mà hàng chục trường học có mức thưởng giao động từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng thì cũng có hàng chục trường khác mức thưởng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Lạ là, cũng trong huyện có bốn trường học được nổi lên như “những vì sao sáng chói”.
Bởi cuối năm, đã công bố những mức thưởng được xem là niềm mơ ước của biết bao thầy cô.
Đó là Trường Tiểu học X (mức thưởng 5 triệu đồng/người), Trường Tiểu học Y (mức thưởng 4.7 triệu/người), Trường Tiểu học M(mức thưởng 4 triệu/người) và Trường Trung học cơ sở Z (mức thưởng là 6 triệu đồng/người).
Câu chuyện thưởng Tết, nhiều, ít đã được bàn tán xôn xao.
Là chủ đề của các cuộc trò chuyện của nhà giáo trong nhà trường ở những ngày cận Tết.
Không ít nỗi ước ao, xen lẫn sự phân bì…với mức thưởng của bốn trường “sáng chói” nói trên.
Như một sự ngẫu nhiên, mọi người đã tìm ra điểm chung đầy thú vị (của 4 trường có mức thưởng cao trong huyện) nhưng lại cũng rất đáng lo ngại.
Cô Lam nói “Trường tiểu học X, hiệu trưởng cũ làm việc được 3 tháng thì về hưu. Người lên thay là hiệu phó trường ấy nên mức thưởng mới cao đến thế”.
Trường Tiểu học Y được thưởng cao cũng bởi vì năm học này, nhà trường vừa có hiệu trưởng nơi khác chuyển về.
Còn lại trường Tiểu học M và trường Trung học cơ sở Z, năm học này cùng thay kế toán.
Thế rồi, đủ giả thiết được đặt ra, nào là hiệu trưởng và kế toán mới chưa hiểu nhau nên đang trong giai đoạn “tìm hiểu”.
Nào là, hiệu trưởng và kế toán không hợp rơ nên khoản chi tiêu luôn phải sòng phẳng. Vân vân…và vân vân…
Cũng chẳng trách thầy cô suy diễn. Bởi, ngay như trường X bao năm qua, giáo viên không có một đồng tiền thưởng.
Nay hiệu trưởng cũ về hưu, hiệu trưởng mới lên thay tiền thưởng được tới 5 triệu/người.
Trong khi khoản kinh phí cấp trên rót về hàng năm vẫn thế. Nhà trường cũng không có những chuyện chi bất thường về sửa chữa hay mua sắm gì nhiều.
Rồi trường Y, nhiều năm giáo viên cũng chỉ nhận được non triệu đồng thì năm nay cũng gần 5 triệu.
Bảo sao thầy cô không nghi ngờ việc chuyển đổi hiệu trưởng và kế toán nên mức thưởng mới tăng?
Thưởng Tết nhưng lại đầy âu lo
Mặc dù, năm nay, trường tôi và một số trường bạn đã công bố mức thưởng Tết khá cao so với những năm trước và so với mặt bằng chung của cả huyện cho giáo viên.
Nhưng hiệu trưởng trường tôi đã rất âu lo, bất ổn khi thông tin nhà trường thưởng Tết cao đã lan nhanh trong toàn huyện.
Hiệu trưởng lo vì sợ sẽ bị thanh tra, lo vì các hiệu trưởng đồng nghiệp trong cùng đơn vị huyện thắc mắc và lo bị lãnh đạo ngành chất vấn.
Nỗi âu lo của hiệu trưởng đã lan đến tâm lý giáo viên cho nên mặc dù nhận thưởng nhiều, nhưng niềm vui của chúng tôi vẫn không hề trọn vẹn.
Cần xem lại chuyện quản lý tài chính
Cũng từ chuyện thưởng Tết, chủ đề tài chính trong các nhà trường lại được “ xới” lên, nội dung bàn tán chỉ xoay quanh chuyện quản lý tài chính hiện nay trong nhiều trường học.
Thực tế, giáo viên phần lớn chỉ quan tâm nhiều đến chuyện giảng dạy.
Bởi thế, một số kế toán và hiệu trưởng ở trường học đang làm sai nguyên tắc nhưng vẫn không được ai nhắc nhở.
Ví như có kế toán xin xuất tiền tự mình đi mua tất cả những gì cần mua cho trường.
Nào là mua văn phòng phẩm, như vở phần thưởng, giẻ lau bảng, giấy tờ in ấn, chổi quét, một số vật dụng khác …
Mua bánh quà Trung thu cho học sinh, mua quà cho giáo viên vào các dịp lễ, Tết.
Một số hiệu trưởng nhà trường cũng đích thân làm chuyện này. Có điều cử nhân viên đi lấy hàng còn mình là người đi trả tiền.
Theo quy định thì thu chi trong nhà trường phải công khai trước hội đồng. Thế nhưng kiểu công khai chỉ đọc tổng số tiền thu, tiền chi nhiều thầy cô nói “Chẳng biết ma nào lần”.
Tiền thưởng Tết tăng cao của 4 trường học trong huyện tôi năm nay (dù chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên) liên quan đến việc chuyển đổi hiệu trưởng và kế toán nhà trường trong năm học.
Giáo viên chúng tôi nói rằng, các cấp chính quyền cần có kế hoạch luân chuyển kế toán, hiệu trưởng của các trường trong địa bàn với nhau.
Thời gian luân chuyển 5 năm/lần đừng để thời gian quá dài (10 năm) như hiện nay để nhiều giáo viên bật lên lời cảm thán:
“Ôi thôi, đừng vui vì thưởng Tết” vì những nỗi lo sau thưởng Tết.
Hoài Thu/GDVN
Post a Comment