Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết sau khi được nối, cánh tay đứt lìa của nữ sinh viên gặp nạn khi chiếc xe khách lao xuống vực đèo Hải Vân chiều 8-1 đã hồng trở lại
Tối 8-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác đã đến thăm các nạn nhân vụ xe chở sinh viên lao xuống vực trên đèo Hải Vân xảy ra vào trưa cùng ngày.
Các bác sĩ BV Đa khoa Đà Nẵng đang cấp cứu các sinh viên bị nạn |
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay bệnh viện đã tiếp nhận 11 nạn nhân trong vụ tai nạn trên. Trong đó, 1 sinh viên đã tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện trong tình trạng mất quá nhiều máu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thăm các nạn nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng
|
Theo bác sĩ Nhân, một nữ sinh viên khác bị thương nặng trong tình trạng một cánh tay đứt lìa. “Khi bệnh nhân này được taxi chuyển tới thì không có cánh tay bị đứt. Bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng để tìm kiếm cánh tay của nạn nhân tại hiện trường. Sau đó, cánh tay nạn nhân được tìm thấy và chuyển đến bệnh viện để tiến hành phẫu thuật, nối lại. Sau khi phẫu thuật thì cánh tay đã hồng trở lại” – Bác sĩ Nhân cho hay.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho hay khi lao xuống vực, nhờ trúng địa hình có cây cối khá nhiều nên xe không rơi quá sâu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng và cần phải triển khai nhanh các biện pháp hạn chế tai nạn. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Công ty Đèo Cả khắc phục điểm đen trên đèo Hải Vân.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định đèo Hải Vân là điểm đen, cần bổ sung các hốc lánh nạn, đường tránh nạn để khi mất lái, tài xế đưa xe vào nhằm hạn chế thiệt hại. Đồng thời, phải triển khai làm hộ lang để khi xảy ra tai nạn, xe không bị rơi xuống vực. Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ thực hiện các hệ thống bảng cảnh báo về địa hình đèo để các tài xế ở địa phương khác có thể nắm được thông tin.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cần nhanh chóng xác định nguyên nhân, đưa ra kết luận để rút ra bài học cho các tài xế, các địa phương. “Tốt nhất là khi qua những đoạn đường này cần phải đi qua hầm. Khi đi du lịch, đi đường xa cần sử dụng hầm. Các địa phương nên kiểm soát, đề nghị tài xế phải di chuyển bằng hầm để qua đèo” – Bộ trưởng đề nghị.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến chiều tối 8-1, cơ quan chức năng đã cẩu chiếc xe rời khỏi hiện trường đưa về trụ sở Công an huyện Phú Lộc để trưng cầu giám định, điều tra nguyên nhân. Qua test nhanh, tài xế Trương Anh Minh (SN 1971; trú tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) âm tính với nồng độ cồn và các chất ma túy. Bước đầu, tài xế khai nhận rằng khi đang đổ đèo thì xe mất phanh.
Ông Lê Quốc Phòng, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Quản lý đường bộ 2 – Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết tại vị trí xảy ra tai nạn ở KM 898+200 Quốc lộ 1 đoạn qua đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, do đơn vị này quản lý. Theo ông Phòng thì tuyến đường thường xuyên được duy tu bảo trì, đầy đủ biển cảnh báo và đảm bảo an toàn cho phép lưu thông. Dọc hơn 20 km thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế có 4 điểm lánh nạn dùng cho việc cứu hộ, cứu nạn.
Kể từ khi hầm Hải Vân được đưa vào khai thác, tuyến đường này chủ yếu phục vụ cho các xe chở xăng dầu, hóa chất. Ngoài ra, các xe khác đều có quyền được lưu thông trên tuyến đường này nếu không muốn qua hầm. Vì vậy, nhiều xe du lịch thường xuyên di chuyển trên tuyến đường đèo Hải Vân để phục vụ du khách ngắm cảnh.
Theo báo NLD
Post a Comment