Vượt qua mọi rào cản từ gia đình, sự thị phi, định kiến của người đời, hai con người mắc bệnh hủi đã quyết tâm đến với nhau và sống hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó được nhân lên gấp bội khi những đứa con của họ sinh ra đều lành lặn và khỏe mạnh.
Những đứa con ra đời, họ càng có thêm động lực phấn đấu để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Thương bố mẹ, những đứa con đó đã vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc sống, cùng dắt tay nhau bước vào giảng đường đại học, rồi tìm cho mình công việc ổn định.
Tình yêu “cháy bỏng” của người mắc bệnh hủi
Đó là câu chuyện cảm động của vợ chồng ông Trần Quốc Đạt ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Sinh năm 1944 ở mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Bình, 18 tuổi, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, Trần Quốc Đạt cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chiến đấu suốt một thời gian dài tại chiến trường B5 Bình Trị Thiên, đến năm 27 tuổi Đạt được xuất ngũ vì bị thương trong một trận chiến ác liệt. Trở về quê hương, dẫu không còn lành lặn, nhưng chàng thanh niên đó vẫn không nản lòng khi biết bao dự định đang ấp ủ.
Vậy nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau mấy tháng xuất ngũ, Đạt thấy tay chân mình có cảm giác tê tê, nhưng không ngứa. Ban đầu, Đạt được người nhà chữa trị theo phương pháp dân gian, nhưng không hề có biến chuyển. Một thời gian sau, ông quyết định đi khám ở bệnh viện thì được các bác sĩ cho biết, đó là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong. “Lúc nghe tin đó, tai tôi bỗng ù lên, đầu óc choáng váng. Tôi không thể chấp nhận sự thật mình mắc bệnh phong cùi”, ông Đạt hồi nhớ.
Vợ chồng ông Đạt, bà Mong hạnh phúc vì những đứa con thành đạt. |
Phong cùi là căn bệnh ghê gớm, có tốc độ lây lan nhanh, vậy nên những người không may bị nhiễm khuẩn hansen thường bị mọi người xa lánh, hơn thế nữa, cách chữa trị cũng khó khăn chứ không hề dễ như bây giờ. Không lâu sau đó, bệnh tình của ông ngày càng nặng hơn, ông Đạt được các bác sỹ tư vấn nên ra trại phong Quỳnh Lập, một cơ sở có quy mô và uy tín trong cả nước thời bấy giờ để tiện cho việc chữa trị.
Nhớ lại những ngày tháng tối tăm của cuộc đời mình, ông bảo từ Quảng Bình ra Nghệ An, quãng đườmg chẳng bao lâu mà ông thấy xa xôi vô cùng. Đã không ít lần, ông tuyệt vọng, chán nản muốn tìm một lối giải thoát tiêu cực, cho nhẹ nợ đời “nhưng rồi, suy nghĩ ấy cũng qua. Bình tâm trở lại mới thấy, đôi khi sống được mới khó, mới đáng để đương đầu chứ chết thì… dễ quá”. Với suy nghĩ ấy, cuối năm 1972, ông Đạt chính thức trở thành một “công dân” của làng phong Quỳnh Lập.
Sống ở ngôi làng đặc biệt này được 5 năm thì ông Đạt gặp bà Nguyễn Thị Mong, một bệnh nhân thua mình đến 7 tuổi đến từ vùng đất Thanh Liêm, Hà Nam.
Nhớ lại lần gặp gỡ đó, ông Đạt nói: “Ngày bà ấy được đưa về trại phong, người ta phải khiêng vào chứ bà ấy không thể tự đi được. Bà ấy bị tàn phế ở độ 3, mức cao nhất và khả năng lao động cực kỳ thấp, nhưng không hiểu sao giây phút ấy, trong tôi lại có cảm giác lạ thường, vừa thương, vừa thấy mến bà ấy”, ông nói. Từ cảm thương, tình yêu ông dành cho bà càng lớn lên từng giờ từng ngày.
Theo lời ông Đạt, thời gian đó, ở làng phong, chuyện những bệnh nhân đến với nhau còn rất nhiều hạn chế. Các bác sỹ không cấm nhưng cũng hạn chế vì những hệ lụy có thể xảy ra với những đứa con, bởi trong một xác suất nào đó, tính di truyền của bệnh vẫn xuất hiện. Dù vậy, vì đã thương nhau, nên cả hai vẫn quyết định về sống chung với nhau dưới một mái nhà mà không hề có đám cưới.
Lấy nhau gần 2 năm, đôi vợ chồng này có với nhau cậu con trai cả Trần Mạnh Hùng khỏe mạnh và lạnh lặn như những người bình thường. Đó cũng là lý do để năm 1982, ông bà quyết định sinh thêm một người con gái nữa đặt tên Trần Thị Phúc. Cuộc sống của một đôi vợ chồng thời kỳ bao cấp đã cực kỳ khó khăn chứ chưa kể đến đó lại là hai bệnh nhân phong nuôi hai con nhỏ. Bà Mong không thể làm được việc, chỉ mình ông Đạt xoay xở để nuôi vợ và hai con nhỏ.
Với kinh phí còn hạn hẹp, bệnh viện và sự trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ có thể giúp người bệnh một phần nào còn đối với người thân hay con cái của họ thì đành chịu. Cái khó ló cái khôn, ông Đạt bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất nhờ tài lẻ của mình. Từ cắt tóc, sửa xe đạp, đi buôn chuối, đi câu cá… ông đều đã từng làm chỉ với mục đích duy nhất, có tiền để trang trải và quan trọng, là nuôi hai con ăn học.
“Nếu cứ ngồi mà nghĩ rằng mình khổ và thua thiệt hơn người đời thì chẳng bao giờ mình hết khổ. Ở đời hơn nhau là sự phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh. Vợ chồng chấp nhận gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này, nhưng con cái, chúng nó phải có công việc để nuôi sống bản thân chứ. Nghĩ vậy, vợ chống chúng tôi lại cố gắng động viên nhau, chăm lo cho con cái”, ông Đạt chia sẻ.
Cái kết có hậu
Khi Hùng và Phúc càng lớn lên thì gánh nặng cơm áo gạo tiền lại càng đè lên đôi vai ông Đạt. Nhưng con nhà nghèo thường sớm biết nghĩ, học hết cấp một, hai anh em đã biết thương cha mẹ bằng cách đi làm thuê làm mướn để có tiền đóng học, đỡ đần một phần nào cho gia đình.
Ngồi nói chuyện, ông Đạt bảo, cha mẹ thì cũng chẳng nên khen con mình quá mức nhưng quả thực, bây giờ nhớ lại, ông cũng không hiểu nổi anh Hùng con ông, đều đặn ngày ngày dậy từ 3h sáng đi dọc bờ biển để nhặt hạt quan âm về bán cho hàng thuốc bắc, rồi chiều chiều ra bãi mót lúa mót khoai, đứa con gái Nguyễn Thị Phúc thì hàng ngày kĩu kịt lên rừng đốn củi mang ra chợ bán mà học hành vẫn giỏi, vẫn đều đặn 12 năm ròng được những giấy khen và chứng nhận của nhà trường thì thật là lạ: “Đó cũng là lí do vợ chồng tui, dù có phải nhịn ăn, mà đúng ra là đã không ít lần nhịn ăn để cố cho con không phải đứt việc học giữa chừng”.
Nhờ sự hy sinh của bố mẹ, cùng với nỗ lực không ngừng của bản thân, cả hai anh em đã đạt được những thành công khiến làng phong thời bấy giờ phải kinh ngạc lẫn thán phục. Anh Hùng sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã thi đỗ vào ngành sư phạm Đại học Vinh, còn đứa em gái theo nghề Y khi đỗ vào Đại học Y khoa Huế.
Ngày nhận giấy báo nhập học, ông bà vui lắm, nhưng sự lo lắng vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí. Quyết tâm không để con cái dang dở việc học hành, đôi vợ chồng này mạo hiểm bằng cách… đi vay tiền cho con ăn học. Vay bình thường cũng có mà vay nặng lãi cũng có, ròng rã suốt mấy năm, khi Đài Truyền hình Việt Nam vào gặp ông bà để làm chương trình “Người xây tổ ấm” thì ông Đạt bảo, ông bà đã nợ đến 86 triệu đồng cả gốc cả lãi.
Nhớ lại khoảng thời gian khốn khó của gia đình, bà Mong nói: “Đời người ai cũng phải trải qua những khó khăn, thế nhưng với vợ chồng tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Có hôm, vợ chồng tôi chỉ ăn cơm chan nước mắm, góp tiền gửi cho hai đứa con, đến khi kiệt sức, hai vợ chồng mới dám mua miếng thịt mỡ về ăn. Cũng may, giờ chúng nó đã có công việc ổn định. Thằng đầu giờ là chuyên viên của phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu, còn cô em gái cũng đang là giảng viên của trường Đại học Y dược Nghệ An”.
Niềm hạnh phúc của ông bà càng nhân lên gấp nhiều lần khi các con dâu, con rể là những kỹ sư, giáo viên đầy nhiệt huyết, có hiếu với bố mẹ. Ông Đạt bảo, các con giờ bận rộn với công việc của riêng mình, nhưng hàng tháng vẫn thu xếp công việc để về thăm ông bà, thăm làng phong, mảnh đất đã gắn bó với họ nhiều kỷ niệm vui, buồn.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, niềm vui của ông bà là chăm nom và chơi đùa với các cháu nội, ngoại. So với nhiều người ở làng phong này thì ông bà đã có những hạnh phúc mà không phải ai cũng có. Chính vì vậy mà mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là làm sao ở làng phong Quỳnh Lập, đứa trẻ nào cũng được đến trường, không bị đứt con đường học hành giữa chừng.
Ông Đạt bảo, ông cũng không hiểu giữa bộn bề những khó khăn ở làng mà lũ trẻ nơi đây lại ham học và học giỏi đến vậy. Cho nên mỗi khi nghe tin đứa trẻ nào phải nghỉ học vì lý do không có tiền… đóng học lại khiến ông trăn trở nhiều đêm để tìm hướng giải quyết giúp đỡ. Vậy nên, cũng không khó hiểu khi khá nhiều trẻ em trong ngôi làng này được vợ chồng ông giúp đỡ bằng việc chia sẻ những đồng tiền mà ông bà góp nhặt được.
Hà Hằng - Kim Thoa (nguoiduatin.vn)
Post a Comment