Ngoài các nguyên nhân nguyên phát (bẩm sinh), những tác nhân do môi trường, thói quen xấu; lạm dụng chất kích thích, rượu bia, máy tính, điện thoại... cũng khiến nam giới có rất ít cơ hội làm cha
Trước đây, đối với những cặp đôi hiếm muộn, dư luận thường đổ lỗi cho người vợ. Theo các chuyên gia sinh sản, suy nghĩ này thiếu khoa học do tình trạng vô sinh ở nam giới hiện đang tăng.
Được một con rồi… “im re”
Dù năm nay con gái đầu lòng đã vào năm nhất đại học nhưng vợ chồng anh T.V.C (48 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) vẫn chưa hết hy vọng có thêm đứa thứ hai. Hàng chục năm qua, vợ chồng anh chạy vạy khắp nơi chỉ mong kiếm thêm thành viên mới cho gia đình nhưng mọi kế hoạch đều thất bại.
Mới đây, khi đến bệnh viện (BV) chuyên khoa tại TP HCM thăm khám, anh C. được các bác sĩ thông báo bị vô sinh thứ phát, suy giảm nội tiết tố nam giới (testosterone). Mặc cho gia đình thúc ép, mọi nỗ lực của vợ chồng gần như tuyệt vọng khi vợ anh nhiều năm liền không thể có thai. Thời gian qua, áp lực đè nặng khiến anh C. trầm cảm, mất ngủ triền miên, thiếu tập trung trong công việc. Thế nhưng, dù sao thì anh vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người vì đã có một đứa con.
Nhiều cặp vợ chồng khát khao thiên chức làm cha mẹ |
Tại nhiều cơ sở y tế, bao gồm các phòng khám nam khoa, số bệnh nhân nam đến khám, điều trị về sinh lý ngày càng đông, phổ biến là các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục, rối loạn chức năng tình dục, bất thường về cơ quan sinh dục, chấn thương sinh dục...
TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học BV Bình Dân (TP HCM), cho hay có tới 40%-50% bệnh nhân đến khám nam khoa đều liên quan đến hiếm muộn. Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), số bệnh nhân đến khám vô sinh, hiếm muộn ở BV này ngày càng tăng. Mỗi ngày, cơ sở này tiếp nhận trung bình 250-300 lượt bệnh nhân, trong đó tỉ lệ nam giới mắc bệnh ngày càng cao.
ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản TP HCM, cho rằng vấn đề vô sinh nam không chỉ là nỗi lo của các gia đình mà còn là mối quan tâm chung của ngành y tế. Nếu 10 năm trước, tỉ lệ nam giới điều trị hiếm muộn liên quan đến những bất thường về tinh dịch chỉ chiếm hơn 77% số ca vô sinh thì nay đã là 85%.
Bảo dưỡng “con giống”
Tại Việt Nam, tỉ lệ các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc sinh con chiếm từ 7%-10% dân số; trong đó, vô sinh do nữ chiếm 30%, do nam 30%, do cả hai 20%, còn lại không rõ nguyên nhân.
Theo TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, vô sinh thứ phát đang ngày càng tăng do lối sống và các tác nhân môi trường. Ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, thói quen lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, dinh dưỡng mất cân đối... sinh ra gốc tự do, stress, béo phì… khiến ngày càng nhiều nam giới mất khả năng làm cha.
Trong khi đó, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM, cho rằng nam giới vô sinh có thể xuất phát từ sự bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng.
Theo quan điểm chung của các chuyên gia, để có thể làm cha, nam giới cần thay đổi bản thân, điều chỉnh lối sống, kiểm soát nội tiết tố nam, tăng cường dưỡng chất cần thiết, bảo dưỡng “con giống”, tận dụng lúc còn sung sức để sinh con. “Độ tuổi có thai đẹp nhất nằm trong khoảng 25-30. Sau đó, khả năng thụ thai ngày càng giảm. Việc trì hoãn khám và điều trị sẽ khiến nhiều cặp vợ chồng bỏ lỡ cơ hội sinh con” - bà Phượng khuyến cáo.
Kiến thức sinh sản hạn chế
Theo các chuyên gia, kiến thức về sinh sản vẫn còn rất hạn chế đối với các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh sản. Một khảo sát về nhận thức sinh sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) do Tổ chức Sinh phẩm và Dược học MerckSorono thực hiện cho thấy có đến 70% cặp vợ chồng sau 6 tháng cố gắng nhưng chưa thụ thai vẫn không nghi ngờ về khả năng làm cha mẹ của mình; 83% phụ nữ không nghĩ đến trường hợp chồng có thể bị vô sinh; 56% không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất tinh trùng; 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt không còn khả năng sinh con...
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH (Người lao động)
Post a Comment