Ngáy ngủ có thể dẫn đến các chứng bệnh như tăng huyết áp, suy giảm khả năng tình dục, nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp, thậm chí đột tử trong khi ngủ...
Triệu chứng và nguyên nhân ngủ ngáy
Theo một cuộc nghiên cứu trên 2.000 người tại Canada, khoảng hơn 70% nam giới có tật ngáy khi ngủ và hơn 50% phụ nữ cùng có tật này.
Ngủ ngáy là triệu chứng xảy ra trong lúc ngủ: vùng họng sau bị hẹp lại. Khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy.
Ngủ ngáy vì nhiều nguyên nhân như do mắc bệnh dị ứng, amiđan quá to, viêm xoang, phong mũi... hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài. Ngoài ra, ngáy ngủ còn do uống rượu say ngủ mê mệt, cơ thể quá béo khiến mỡ bám dày cổ họng và hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng hẹp đi.
Ngủ ngáy có thể gây ra nhiều chứng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa.
Những đối tượng thường ngủ ngáy
- Người có cằm nhỏ, hầu họng hẹp. Người có vòm khẩu cái mềm và đáy lưỡi to.
- Uống rượu trước khi ngủ hoặc uống các thuốc gây ngủ.
- Người béo phì. Ở tư thế nằm, bụng mỡ sẽ tỳ vào cơ hoành gây trở ngại hô hấp, mỡ của vùng cổ tỳ vào các cơ hầu họng làm vùng này dễ bị hẹp hơn khi ngủ.
- Người có thói quen thở bằng miệng.
- Hút thuốc lá làm cho vùng hầu họng thường xuyên bị viêm nhiễm, tạo các mô hạt, gây hẹp hầu họng.
- Ăn no trước khi đi ngủ.
- Ngủ nằm ngửa.
- Ngáy mang tính di truyền.
Những nguy hiểm khôn lường khi ngủ ngáy
Ngáy ngủ có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ và đau tim. Đó là bởi vì ngáy ngủ thường xuyên có thể sẽ dẫn đến tình trạng thu hẹp động mạch cảnh. Động mạch cảnh là động mạch chính ở cổ có nhiệm vụ cung cấp oxy lên não.
Với phụ nữ mang thai, ngủ ngáy cũng gây ra nhiều nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Michigan (Mỹ) đã tìm ra những dấu hiệu cho thấy, phụ nữ bắt đầu ngủ ngáy khi mang thai sẽ tăng nguy cơ bị tiền sản giật và cao huyết áp.
Ngoài ra, ngủ ngáy là một trong những nguyên nhân gây đau đầu mãn tính. Một cuộc nghiên cứu về chứng ngáy khi ngủ được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ cho thấy sự liên hệ giữa chứng ngáy ngủ và bệnh đau đầu mãn tính. Các nhà nghiên cứu kết luận, những người ngáy khi ngủ đối mặt với nguy cơ đau đầu cao gấp 3 lần so với người không ngủ ngáy.
Nguy cơ đột tử khi ngáy ngủ
ThS. Ninh Văn Tiến cho biết trên báo Sức khỏe Đời sống, khi ngáy ngủ, bạn thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, làm cho hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Lúc này, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Như vậy, bộ não không được nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến bạn bị mệt mỏi, giảm năng suất làm việc, không tập trung được vào công việc, lâu ngày bạn sẽ bị suy giảm trí nhớ.
Bệnh ngáy ngủ còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như tăng huyết áp, suy giảm khả năng tình dục, nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bị đột tử trong khi ngủ...
Một số biện pháp phòng và chữa trị chứng ngủ ngáy
- Ngủ nghiêng: Những người nằm ngửa có xu hướng ngủ ngáy nhiều hơn so với những người nằm ngủ nghiêng sang một bên.
- Giảm cân nếu là người béo phì: Ngáy có thể được gây ra bởi một mô mỡ lớn dày bên trong cổ họng và miệng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở không khí. Kích thước mô tăng khi trọng lượng cơ thể tăng và đó là lý do tại sao những người thừa cân có nguy cơ mắc hội chứng ngáy cao hơn.
- Tập thể dục thường xuyên, vừa để giảm cân nặng vừa tăng oxy cho não.
- Tránh uống rượu 4 tiếng trước khi ngủ
- Không nên dùng thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm cho các cơ bắp trong cuống họng chùng xuống.
- Tránh ăn nhiều vào bữa tối.
- Cần chữa dứt điểm chứng viêm mũi dị ứng.
- Có thể dùng một dụng cụ nha khoa làm cho hàm ếch không chùng xuống và lưỡi nhỏ không bít khí quản.
Theo Thiên Bình (Đời sống & Pháp luật)
Post a Comment