Câu chuyện trị rắn kỳ lạ bằng cách dùng miệng hút nọc độc của dòng họ Châu qua nhiều đời đã vang danh khắp vùng Bảy Núi.
Ngoài khả năng đặc biệt trên, những người được di truyền vết đốm lưỡi trong dòng họ này có thể “miễn dịch” với rắn độc. Thậm chí, nếu bị những người này vô tình dẫm phải, loài rắn độc không quay lại cắn mà chỉ lặng lẽ trườn đi.
“Bảo bối” của gia tộc
Những ngày lang bạt ở vùng Thất Sơn (An Giang), chúng tôi được biết đến một người có khả năng dùng lưỡi hóa giải nọc độc xà hết sức kỳ lạ, đó là ông Châu Phonl (63 tuổi, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang). Ông được xem là truyền nhân đời thứ 3 của dòng họ lưỡi đen chuyên trị rắn độc nổi tiếng vùng biên viễn. Nhà ông Châu Phonl heo hút nằm cuối xã An Cư giáp ranh đất Campuchia, nhưng khi chúng tôi hỏi người có “lưỡi đen” thì rất nhiều người biết và nhiệt tình chỉ đường tường tận. Trưa nắng nóng, vị thầy thuốc mình trần trùng trục nằm trên võng dưới tán cây rợp bóng, xung quanh đầy những cây thuốc. Thấy khách lạ hỏi, tưởng có người bị rắn cắn đến nhờ giải độc, Châu Phonl liền bật dậy nhiệt tình tiếp đón.
Châu Phonl dáng cao tầm thước, da đen nháy, mình đầy lông lá. Ông tự nhận ngoại hình hơi khác người và sức khỏe dẻo dai hiếm có, bởi hầu như từ nhỏ tới giờ rất ít khi bị ốm đau bệnh tật. Vậy nên dù ngày nắng hay mưa ông cũng rất ít mang áo, chỉ mình trần phơi gió sương. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Châu Phonl cất tiếng Kinh giọng còn lơ lớ: “Tôi vốn ít bệnh, nhưng nếu mắc thì nhai mấy cái lá trong vườn cũng khỏi ngay. Còn đối với rắn độc, thì có chiếc lưỡi đen thôi”.
Ông Châu Phonl và cây ngãi hỗ trợ trị rắn.
Ông nở nụ cười rồi vô tư lè chiếc lưỡi cho chúng tôi xem, quả thực trên đầu lưỡi có vệt màu sắc tố đậm đen ẩn sâu trong thớ thịt, chạy dọc 2 bên cánh lưỡi trông rất lạ. Vị thầy thuốc kể rằng bản thân phát hiện chiếc lưỡi đen vào khoảng năm lên 10 tuổi trong một lần tình cờ soi gương. Tưởng rằng do ăn trái rừng bị thâm đầu lưỡi nên múc nước cọ rửa, nhưng cọ đến rớm máu mà vẫn không hết. Sợ quá ông đem chuyện hỏi bà nội thì bà cười mừng: “Vậy là nhà mình đã có truyền nhân của lưỡi đen rồi, con sẽ nối nghiệp của nhà mình là trị bệnh rắn cắn”. Ông Châu Phonl dí dỏm rằng vết đốm là bảo bối gia truyền của dòng họ và ông là người tin cẩn được cha ông “chỉ định” cất giữ.
Ông Châu Phonl kể thêm về dòng họ đặc biệt của mình: “Người đầu tiên có chiếc lưỡi đen là ông nội Châu Hâm. Lúc sinh thời cha tôi kể lại rằng, nội vốn là thầy thuốc dân gian giỏi có tiếng. Khi biết chiếc lưỡi đen mình có khả năng khắc chế rắn độc thì nội đã vận dụng vào việc cứu người, tiếp đến là mày mò tìm ra nhiều bài thuốc hỗ trợ giải độc rất hiệu quả. Trong những người con của nội thì chỉ có cha tôi tên là Châu Khul được di truyền “chiếc lưỡi đen” của dòng họ, rồi cũng theo nghiệp cứu người. Đến nay, trong các anh em thì duy chỉ có tôi biết chữa rắn bằng lưỡi”.
Truyền nhân đời thứ tư là nữ Ông Châu Phonl cho biết, trong 6 người con của ông thì có cô con gái là Neang Hươl (31 tuổi) được thừa truyền chiếc lưỡi đen. Điều này khác với ba đời trước đó, người được di truyền khả năng chữa bệnh là con trai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Neang Hươl chưa được thừa truyền nghề của ông. Bởi theo như truyền thống cha truyền con nối của gia tộc thì khi nào người cha chết đi mới truyền nghề cho con cái. Ông Châu Phonl cũng hi vọng cô con gái sau này là truyền nhân “danh bất hư truyền” của dòng họ mình. |
Một nguyên tắc cha truyền con nối của dòng họ ông là không được sử dụng khả năng hiếm có để trục lợi. Châu Phonl tự hào: “Trời cho gia đình mình lưỡi đen thì mình có nhiệm vụ đi cứu người bị rắn độc cắn chứ không trục lợi. Nếu làm sai có thể sẽ mất hiệu nghiệm ngay, mà không khéo đi rừng bị rắn cắn chết nữa”. Trên vùng đất Bảy Núi huyền thoại, xưa nay thầy rắn có rất nhiều nhưng đã xác định theo nghiệp “nắm mạng sống” của người khác thì họ đều tuân thủ theo những nguyên tắc, không ăn thịt rắn, không xâm phạm nơi ở của rắn và quan trọng nhất là không được trục lợi. Nếu phạm một trong “tam kị” ấy, chắc chắn sớm muộn cũng mất mạng, không thì sự nghiệp lụi tàn. “Theo giáo lý nhà Phật, rắn là một trong mười con vật mà người tu hành cũng như phật tử tuyệt đối phải tránh xa vì tính độc hại của nó”, ông Châu Phonl nói.
“Miễn dịch” với độc xà
Nói tới những loài rắn kịch độc thì ở Thất Sơn phải kể đến loài hổ đất, tiếp đến là hổ chúa. Trước kia còn có loài hổ mây nặng hàng tạ, thân dài hàng trượng, đi bạt cả cây rừng… có khả năng ăn thịt người, nhưng nay nó đã hoàn toàn biến mất, do rừng bị thu hẹp và bị con người xâm lấn. Bên cạnh đó, săn rắn một thời là nghề rất thịnh hành để người dân kiếm gạo, khiến loài rắn ở đây ngày càng hiếm dần. Tuy nhiên, có chăng đó là sự vắng bóng của các loài cỡ lớn, còn rắn nhỏ thì nay vẫn đầy rẫy, ẩn mình trong hang đá, dưới tán rừng hoặc là trong hang bờ ruộng. Do đó, chuyện người đi rừng hái thuốc, săn thú hay ra đồng tát đìa kiếm cá bị rắn độc cắn là chuyện thường xảy ra.
Rắn độc vùng U Minh đụng Chau Phonl chỉ có nước bỏ chạy.
Hầu như năm đi, mùa tới đều có người bị rắn độc cắn tìm đến nhờ ông Châu Phonl chữa trị. Nặng thì bất tỉnh nhân sự, nhẹ thì gân co rút, cổ lên đờm… những lúc ấy dù đang đi làm xa ông cũng tức tốc chạy về. Ông Châu Phonl còn nhớ như in lần cứu một người bị rắn cắn hồi cuối năm 2012. Lúc đó khoảng 8h sáng, anh Chau Kol (SN 1986, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư) đang cắt cỏ cho bò thì bị con chàm quạp cắn một phát vào cổ chân. Dù đã rút khăn choàng cột chặt để ngăn nọc truyền theo mạch máu lên tim, nhưng độc tố quá mạnh khiến chân anh nhanh chóng tím tái và bất tỉnh. Nghe tin thầy Châu Phonl “lưỡi đen” nên gia đình tức tốc chở tới.
Xem qua vết thương, biết do loài chàm quạp cắn, ông liền ghé miệng hút độc. Khi cảm thấy thần sắc bệnh nhân tốt hơn, ông mới dừng lại rồi ra vườn nhổ một củ ngãi móc nhai dập đắp lên vết thương, vài ba lần lặp lại như thế bệnh nhân đã được cứu sống. Đó chỉ là một trong những trường hợp mà ông đã cứu sống, thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Đến thời điểm này, ông lắc đầu bảo không thống kê nổi, bởi ai đến chữa ông không bao giờ ghi, không đòi hỏi gì ở bệnh nhân mà ngược lại còn chỉ cho cách chữa, cách phòng trừ để không bị rắn cắn.
Không chỉ có khả năng trị, vị thầy thuốc lưỡi đen còn xác nhận với chúng tôi rằng ông còn “miễn dịch” với rắn. Nếu ông đi rừng hái thuốc hay làm đồng không may dẫm phải rắn thì chúng cũng tự bỏ đi, do đó từ xưa tới nay ông không hề bị rắn cắn. “Rất nhiều lần tôi gặp rắn độc hoặc rắn gặp tôi, chúng đều nằm im ngơ ngác hoặc tự trườn đi”, ông Châu Phonl cho biết. Cách đây mấy hôm, có một con hổ mang bò vào uống nước ở chiếc chum đựng nước trước hiên nhà. Khi thấy Châu Phonl thì nó khựng lại, khi ông cất lời nhẹ nhàng xua đuổi, không hiểu sao nó quay đầu rồi trườn ngược ra vườn.
Trên thực tế chúng tôi từng gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều cao nhân trị rắn ở rừng U Minh (Cà Mau). Họ cũng xác nhận rằng, nếu là người có thâm niên khắc chế rắn độc thì loài rắn rất kỵ, thậm chí nếu là những thầy rắn cao tay thì họ có thể khiển rắn theo ý muốn. Tính ra thầy rắn Châu Phonl làm nghề đã ngót 34 năm nay, không loài rắn nào mà ông không biết, cũng từng hút vô số loại độc của rắn trong máu bệnh nhân. Vì vậy có thể ông đã tích lũy được đức hạnh và sự linh thiêng của nghề nên loài rắn cũng sợ ông, giống như khả năng khắc chế độc xà từ chiếc lưỡi đen bí hiểm mà bao đời của dòng họ ông sở hữu.
“Xưa các ngọn núi như: núi Dài, Cấm, Tượng, Cô Tô, Két… có rất nhiều thảo dược quý, nếu am hiểu thì đó là kho tàng của thầy thuốc trị rắn. Ngày trước vùng này có con dinh, loài này chuyên ăn rắn độc, người ta bắt nó cắt lấy sừng để hút độc rắn rất hay, nhưng nay chúng hoàn toàn biến mất. Trị rắn thì mỗi thầy có một bài thuốc, riêng tôi thì trị rắn bằng cách dùng miệng hút nọc độc nhưng vẫn có bài thuốc hỗ trợ. Bởi tôi cảm nhận chiếc lưỡi đen có thể xúc tiến quá trình chữa chạy cho người bệnh nhanh hơn mà thôi”, thầy rắn Châu Phonl nói. |
Theo Báo Gia đình và Xã hội
Post a Comment