BÀI VIẾT MỚI

Đã chọn nghề giáo thì đừng toan tính!

Nếu để cho bất kỳ toan tính nào hiện diện trong đời sống tinh thần của mình, người thầy sẽ không sao trụ lại nổi với nghề.
Hằng ngày, đọc những tin bài, những câu chuyện giáo dục đa chiều, giáo viên chúng tôi không thể không suy nghĩ. Đó có thể là một chút buồn vui đan xen hay những phút rạo rực, bâng khuâng, một nỗi suy tư khó gọi tên và cả nỗi lo lắng mơ hồ hay nỗi bất an day dứt… Những nhìn nhận đa chiều của cuộc sống về nghề giáo không thể làm vơi đi niềm tin, lòng yêu nghề mãnh liệt của những con tim đã trót gửi trao, thủy chung với nghề dạy học.
Lặng thầm dâng hiến
Từ bé, tôi đã khát khao trở thành cô giáo. Hình ảnh cô giáo đi vào từng giấc mơ tôi. Mỗi câu thơ, bài toán luôn hiện lên song hành cùng hình ảnh người thầy người cô đáng kính. Tuổi thơ đi qua chiến tranh, trằn mình dưới bom gào đạn réo nhưng khát vọng được đứng trên bục giảng luôn cháy bỏng trong tim.
Còn nhớ hồi nhỏ khi chơi đùa cùng bọn trẻ trong làng, điều khiến cho tôi (và bất kỳ đứa trẻ nào) khi giận nhau mà gọi tên thầy cô ra với sự thiếu tôn trọng, thể nào cũng quyết liều mình thua đủ một phen. Trong tâm khảm của bất kỳ học trò nào thời ấy, thầy cô giáo là những con người cao quý thiêng liêng không ai được đụng đến, dù chỉ là cái tên. Hình ảnh những thầy cô giáo đã trở thành tấm gương sáng, chuẩn mực cho các thế hệ trẻ noi theo. Trong tâm tưởng của suốt tuổi thơ tôi, thầy cô giáo là những người vô cùng cao quý, vĩ đại.
 - 1
Cô giáo uốn nắn cho học trò từng nét chữ, nết người - Ảnh: TẤN THẠNH
Qua bao thịnh suy, thăng trầm của lịch sử, cuộc sống người thầy thời nay đã khá hơn lên. Đạo lý thầy - trò với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn được bao thế hệ người Việt Nam chúng ta nâng niu, gìn giữ. Tình cảm ấy cao khiết vô cùng. Những ai đã chọn cho mình sự nghiệp gắn bó với bục giảng, với mái trường đều không thể so tính thiệt - hơn. Nếu để cho bất kỳ phép tính nào hiện diện trong đời sống tinh thần của mình, người thầy sẽ không sao trụ lại nổi với nghề mà mình đã chọn.
Sự thay đổi của đời sống xã hội và biến động của cơ chế thị trường đã để lại, gieo vào môi trường giáo dục không ít hệ lụy. Đôi lúc nhiều đồng nghiệp ngơ ngác hỏi nhau: Điều gì đang xảy ra? Nghĩa thầy trò có còn giá trị nữa không? Truyền thống “tôn sư trọng đạo” bao đời có bị xói mòn, phai nhạt trước bao nhiêu ứng xử dở khóc, dở cười giữa thầy và trò ở thời hiện đại? Rồi giây phút ấy cũng qua mau, mọi ưu phiền sẽ khỏa lấp bởi lòng yêu nghề và bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn.
Nhiều người cho rằng không nên ví nghề dạy học như người đưa đò cho khách sang sông vì nghe có vẻ phũ phàng quá. Nhưng thiết nghĩ, điều gì được người đời đúc kết chiêm nghiệm thì dù ở khía cạnh này hay phương diện kia vẫn có cái lý lẽ trùng khớp của nó: tận tâm, miệt mài và lặng thầm dâng hiến.
Yêu nghề mới trụ nổi với nghề
Thời bao cấp, những ai theo nghề dạy học thường nghèo sát đất. Những năm tháng ấy, ngoài tri thức, người thầy rất cần có tấm lòng. Giữ được lòng mình trong sáng, giữ được phẩm hạnh thanh cao chính là thử thách lớn lao đối với người thầy.
Khoảng thời gian những năm 1979-1980, khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh vài năm, cả xã hội đối diện với khó khăn thiếu thốn trăm bề. Thầy cô giáo mỗi tháng chỉ được 1,5-2 kg gạo, còn lại phải ăn hạt bo bo, bột sắn khiến ai cũng gầy guộc, xanh xao. Sau những buổi lên lớp là bụng cồn cào, đói quay đói quắt. Thế nhưng, thầy cô vẫn bám lớp bám trường, ngày ngày gieo mầm xanh mơ ước với lòng yêu nghề đến lạ lùng. Và, đã có không ít những chuyện tiếu lâm đau lòng về cái nghèo của người thầy giáo. Tôi từng nghe các thầy cô của mình ở Trường ĐH Sư phạm Huế hài hước một cách chua chát: Thầy giáo tháo giày đi dép lốp/ Nhà trường nhường trà uống nước trong.
Thời đó, nhiều giáo viên đi dạy mà lương chỉ đủ để trả tiền thuê xe thồ ngày ngày đến trường. Nhưng rồi họ vẫn cười xòa với lý luận giản đơn: “Vì lỡ yêu nghề” để rồi tối tối phải giấu mặt quay lưng mỗi khi bắt gặp học trò vì đang chạy xe thồ hoặc bán hột vịt lộn kiếm tiền nuôi cả nhà. Cũng có không ít người đã mềm lòng, không trụ nổi bỏ nghề để chạy theo một công việc khác. Hoặc vẫn theo nghề nhưng dần thay đổi, đánh mất niềm tin nơi con trẻ để rồi sau đó phải trả giá. Vẫn biết ai mà chẳng có lúc dao động hoang mang hay chùn chân trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống. Tuy nhiên, như đã nói, đã có chút toan tính thiệt hơn thì tốt nhất đừng nên theo nghề giáo!
Mấy năm trước, báo chí đăng việc 2 cựu sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM xây tặng thầy giáo cũ Dương Thanh Liêm một ngôi nhà 3 tầng khang trang để giúp thầy vơi bớt khó khăn vì thầy đã nghỉ hưu mà vẫn chưa có nổi một mái nhà tử tế để ở, tôi  xúc động vô cùng. Mừng vì giữa thời buổi các giá trị lẫn lộn thế này mà vẫn có những tấm lòng cao thượng thì thật đáng quý.
Giữa bộn bề lo toan, bao đua chen xuôi ngược, tôi tin vẫn còn nhiều học trò dành cho thầy cô của mình những tình cảm thiết tha sâu lắng, chân tình trao gửi những ơn sâu nghĩa nặng để người thầy có thêm niềm tin tiếp nối bài ca nghề giáo. 
Không phải để làm giàu
Vẫn biết cuộc sống không chỉ có tinh thần mà còn cần lắm những phương tiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ không toàn tâm toàn ý với nghề. Họ sẽ biến giáo dục thành một hoạt động kinh doanh đổi chác. Nếu chỉ biết nhăm nhe giành giật chức quyền, bằng mọi giá phải cố kiếm được nhiều tiền thì đừng nên bước chân vào môi trường giáo dục và đừng bao giờ đóng vai nhà giáo.
Dương Thanh Huyền (Trường ĐH Nha Trang)
Theo Người lao động

Post a Comment

 

© Copyright 2014-2019 Relax Việt

Quản trị Blog: Clip Hài Vui Nhộn
Email:mr_sok164@yahoo.com.vn
Supported by Relax Việt